Sách hay: "AQ - Chỉ số vượt khó"

Phương cách biến khó khăn thành cơ hội 

Với AQ - Chỉ số vượt khó, tác giả sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi "Điều gì tạo nên những con người thành công và điều gì quyết định sự thất bại?" một cách hết sức khoa học, thuyết phục.

Quan trọng hơn cả, cuốn sách sẽ giúp người đọc tìm lại được nguồn nghị lực bên trong để kiên cường chiến đấu và chiến thắng. Bằng những kiến thức, kỹ năng lĩnh hội được từ AQ - Chỉ số vượt khó, bạn không những sẽ cải thiện được bản thân mà còn có thể giúp những người khác, cũng như chính tổ chức của mình tiến lên phía trước.


Tác giả: Tiến sĩ Paul G.Stoltz
Năm xuất bản: 2012
Người dịch: Nguyễn Thanh Thủy
Nhà xuất bản: Lao động Xã hội
Bản quyền: Thaihabooks

Download bản tóm tắt
Nghe đọc bản tóm dắt

Về tác giả:
Tiến sĩ Paul G.Stoltz đi đầu cho Adversity Quotient (AQ) và là chuyên gia hàng đầu thế giới về đề tài này. Ông thành lập PEAK Learning vào năm 1987 và hiện đang làm việc với các nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, tổ chức khác nhau; thiết lập tổ chức phi chính phủ Fortune 100. Ông phục vụ như là một tài năng cấp cao cho YPO, tổ chức tổng thống trẻ tuổi.

Tiến sĩ Stoltz là giám đốc dự án ứng phó toàn cầu và phụ trách giám sát tại 17 quốc gia. Ông được người điều hành của Excellence ca ngợi “là một trong số 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của thời đại chúng ta”.

Ông là tác giả trên những ấn phẩm nổi bật như: The Wall Street Journal, Harvard Management Update, Investor’s Business Daily, Asia 21, The Washington Post, the Los Angeles Times, Success Magazine, Entrepreneur Magazine, and the Drucker Foundation’s prestigious Leader to Leader.

Nội dung chính:
PHẦN 1 - PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

Chương 1: Quan niệm mới về thành công
“Ẩn sâu bên trong mỗi con người là những quyền năng chưa được khai phá; đó là những quyền năng sẽ khiến bản thân họ ngạc nhiên và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được; nhưng đó là những sức mạnh mà nếu được đánh thức và biến thành hành động thì sẽ có thể thay đổi cả cuộc đời họ” - Orison Marden

Vượt dốc - định nghĩa lại khái niệm thành công
Cuộc đời cũng giống như hành trình leo núi, bạn chỉ có thể thực hiện được bằng cách nỗ lực không ngừng để leo lên, thậm chí đôi khi phải bằng từng bước tiến chậm chạp, đau đớn nối tiếp nhau.

Do đó, ta có thể định nghĩa thành công chính là mức độ mà con người có thể tiến về phía trước và lên cao, phát triển trong sứ mệnh cả cuộc đời mình, vượt qua tất cả những trở ngại hay các kiểu nghịch cảnh.

Câu hỏi cơ bản về tính hiệu quả của con người:

Tại sao một số người thì kiên trì, trong khi số khác chỉ đi được một chặng đường ngắn hoặc thậm chí bỏ cuộc?

Tại sao một số tổ chức phát đạt trong thời buổi cạnh tranh còn số khác lại phải thất bại?

Tại sao một doanh nghiệp có thể chống chọi được với những hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong khi những doanh nghiệp khác bỏ cuộc?
Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, cuốn sách này sẽ trả lời câu hỏi cơ bản nhất về tính hiệu quả của con người và tổ chức.

AQ - Chỉ số vượt khó là gì?
Chỉ số vượt khó (Adversity Quotient - AQ) bao gồm hai cấu phần cần thiết của bất kỳ khái niệm thực tiễn nào - lý luận khoa học và ứng dụng thực tế.

Thành công của bạn trong công việc cũng như cuộc sống chủ yếu là do Chỉ số vượt khó (AQ) của bạn quyết định. AQ cho biết mức độ chịu đựng và khả năng vượt khó của bạn, dự báo ai sẽ vượt qua nghịch cảnh và ai sẽ đầu hàng; ai sẽ vượt trên cả mong đợi về hiệu quả hoạt động và tiềm năng của mình, còn ai không thể; ai sẽ từ bỏ và ai sẽ chiến thắng.

AQ có ba dạng thức:
Thứ nhất, AQ là một khái niệm mới để thấu hiểu và thúc đẩy tất cả các khía cạnh của thành công.

Thứ hai, AQ là thước đo cách thức phản ứng của bạn đối với nghịch cảnh.

Cuối cùng, AQ là một bộ công cụ có cơ sở khoa học vững chắc giúp nâng cao khả năng phản ứng với nghịch cảnh của bạn.

AQ bắt đầu từ cá nhân song những lý luận, thước đo, và công cụ của nó có thể dùng để nâng cao hiệu quả của: Nhóm các mối quan hệ, gia đình, tổ chức, cộng đồng, văn hóa, xã hội.

AQ cung cấp cho bạn những thông tin, công cụ và chiến lược cần thiết để đánh giá và tăng cường năng lực này cho đội ngũ của bạn.

AQ sẽ cung cấp cho bạn một lý luận mới để giúp bạn nâng cao tinh thần trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm.

Yếu tố dự đoán thành công tổng thể: So sánh AQ với IQ và EQ.

Trước đây, IQ hay Chỉ số thông minh đã được các bậc phụ huynh, giáo viên, và người sử dụng lao động coi là yếu tố dự đoán thành công chính xác. Trong cuốn sách Trí thông minh cảm xúc, Daniel Goleman đã giải thích sâu sắc lý do tại sao một số người có IQ cao lại không tiến xa trong khi nhiều người chỉ có IQ trung bình lại phát triển lớn mạnh rực rỡ. Ông chứng minh rằng bên cạnh IQ, mỗi chúng ta còn cần có EQ, hay Chỉ số cảm xúc.

Tuy nhiên, cũng như IQ, không phải ai cũng có thể sử dụng đầy đủ EQ của mình, không phát huy hết tiềm năng mặc dù họ có những kỹ năng quý giá. Bởi trí thông minh cảm xúc vẫn còn thiếu một thước đo đúng đắn và một phương pháp rõ ràng để mọi người có thể học theo, vì vậy đến nay nó vẫn rất khó nắm bắt.

Ngọn núi - con đường đi đến thành công
Mọi người đều có động lực cốt lõi là Tiến lên, vậy tại sao chúng ta lại không thấy đỉnh núi chật ních và chân núi vắng người? Tại sao thực tế lại là điều ngược lại?

Chúng ta cần xem những gì xảy ra với ba nhóm người mà chúng ta bắt gặp trên hành trình leo núi:

Người Bỏ cuộc: phớt lờ, ngụy tạo, hoặc từ bỏ động lực cốt lõi của con người là tiến lên.
Người Cắm trại: chỉ đi đến một mức độ nhất định mặc dù họ có thể thành công khi đến được vùng đất cắm trại, nhưng họ không thể duy trì thành công nếu không tiếp tục tiến lên.
Người Leo núi: là những người trung thành với hành trình đi lên suốt đời.

Cách sống của người Bỏ cuộc, người Cắm trại, và người Leo núi
Người Bỏ cuộc thường có cuộc sống thỏa hiệp. Họ từ bỏ ước mơ và lựa chọn những gì mà họ cho là con đường bằng phẳng, dễ dàng hơn nên họ thường cảm thấy cay đắng, phiền muộn, và tê liệt về cảm xúc.

Không khó để đoán được rằng người Bỏ cuộc rất khéo sử dụng ngôn ngữ tiêu cực. Họ nhanh chóng tìm ra những lý do giải thích tại sao mọi việc không thể giải quyết được.

Người Bỏ cuộc có ít hoặc không có khả năng đương đầu với khó khăn.

Người Cắm trại cũng có cuộc sống thỏa hiệp, chỉ khác ở mức độ thỏa hiệp. Họ thường cảm thấy khá hài lòng về sự cân bằng rõ ràng giữa việc hy sinh những gì có thể đạt được với việc bám lấy cái ảo tưởng là sẽ giữ được những gì đang có. Họ thường cảm thấy đúng đắn khi ngừng leo núi để thưởng thức thành quả lao động của mình.

Sự thỏa hiệp bén rễ trong ngôn ngữ của người Cắm trại. Họ luôn tìm ra những lời giải thích rất hợp lý về nguyên nhân tại sao chuyến hành trình leo núi không như những gì người ta thường ca ngợi.

Người Cắm trại hành động dựa trên niềm tin rằng sau một số năm hoặc một số nỗ lực nhất định, thì cuộc đời sẽ hầu như không còn khó khăn nữa.

Chỉ có người Leo núi là có một cuộc sống thực sự. Họ ý thức được sâu sắc về mục đích của mình và dành đam mê cho những việc mình làm. Dù biết rằng leo lên đến đỉnh là một điều khó thực hiện, nhưng người Leo núi không bao giờ quên đó mới chính là mục đích chuyến đi của mình.

Ngôn ngữ của người Leo núi luôn chứa đựng những điều có thể tràn đầy tiềm năng. Người Leo núi nói về những gì có thể làm được và làm như thế nào. Họ nói về hành động, và thiếu kiên nhẫn với những lời nói không ủng hộ hành động đi đôi với việc làm.

Đối với người Leo núi, khó khăn không phải là điều gì xa lạ. Họ luôn phải đối mặt và vượt qua vô vàn nghịch cảnh.

Tình thế khó xử của nghịch cảnh
Tôi gọi ảnh hưởng lớn nhất đối với con người khi phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn là tác động trái chiều của tình thế khó xử của nghịch cảnh.

Đối với sự sống và khả năng tồn tại trong tương lai của giống loài chúng ta, có lẽ không có mối đe dọa nào lớn hơn là bệnh dịch bỏ cuộc và mất niềm tin do khó khăn ngày càng tăng gây ra.

Có thể thấy rằng AQ là biến số quyết định liệu một người có giữ được hy vọng và tự chủ trong những thời điểm khó khăn hay không.

Cây thành công
Lá cây được gọi là cách biểu hiện, nói đến những gì thuộc về chúng ta mà người khác dễ nhìn thấy nhất.

Cành là tài năng và khát khao. Cành cây đầu tiên tôi gọi là “yếu tố lý lịch”. Lý lịch miêu tả kỹ năng, khả năng, kinh nghiệm, kiến thức - tức là những gì bạn biết và có thể làm.

Thân cây là trí thông minh, sức khỏe, tính cách. Rõ ràng là trí thông minh có tác động đến thành công của bạn. Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thành công của bạn. Tính cách chú ý đến sự công bằng, công lý, trung thực, khôn ngoan, lòng tốt, dũng cảm, và bao dung.

Rễ cây là di truyền, cách nuôi dạy, và niềm tin. Tất cả sẽ không thể phát triển nếu không có yếu tố rễ. Di truyền ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta nhiều hơn là mức chúng ta muốn thừa nhận. Cách bạn được dạy dỗ có thể ảnh hưởng đến trí thông minh, sự hình thành những thói quen lành mạnh, phát triển nhân cách, cũng như kỹ năng, khát khao và kết quả làm việc, phong cách biểu hiện có được từ những điều đó. Niềm tin là một nhân tố hấp dẫn và cần thiết đối với hy vọng, hành động, đạo đức, đóng góp, và cách chúng ta đối xử với đồng loại.

Chỉ số vượt khó
Ngay cả khi có tất cả những yếu tố này, thì vẫn không có gì đảm bảo rằng một người, hay một cái cây, sẽ đứng vững khi phải đối mặt với những cơn gió nghịch cảnh. Nếu cây đó được trồng trên cát, thì nó sẽ bị quật đổ. Nếu nó mọc lên từ đá và được nuôi dưỡng với khả năng đàn hồi cao, thì nó sẽ cong xuống, nhưng không bao giờ đổ.

AQ của bạn quyết định liệu bạn sẽ đứng vững vàng và chắc chắn, tiếp tục phát triển ngay cả khi phải đối mặt với khó khăn, hay bạn sẽ bị tê liệt hoặc thất bại, bất kể bạn có tất cả những nhân tố trên hay không.

Chương 2: Kỷ nguyên khó khăn
Trên hết, khó khăn có thể chính là động lực cần thiết để loại bỏ tính sự tự thỏa mãn của người Cắm trại và củng cố quyết tâm của người Leo núi để đạt đến thành công.

Ba cấp độ khó khăn

+ Khó khăn về mặt xã hội
Chúng ta đang phải trải qua những chuyển biến sâu sắc trong quan niệm về giàu có, cảm giác không chắc chắn về tương lai cũng đang tràn ngập, tỷ lệ tội phạm tăng lên đột biến, cảm giác lo lắng về an ninh kinh tế ngày một tăng, tình trạng hủy hoại môi trường tồi tệ chưa từng thấy. Bên cạnh đó là những thay đổi căn bản trong khái niệm về gia đình, khủng hoảng đạo đức trên phạm vi quốc gia, và sự mất niềm tin vào các cơ quan, tổ chức, kể cả hệ thống giáo dục.

+ Khó khăn ở nơi làm việc
Tấm chăn ấm có được nhờ tiền lương hàng tháng, công việc lâu dài, an sinh xã hội và hưu trí đều không còn như trước. Các hoạt động tái thiết lập, tái cơ cấu, điều chỉnh quy mô, cắt giảm nhân sự, tái sinhphục hồi, và phân quyền đã khiến cho hàng triệu người lao động bị mất việc làm trong những năm qua.

+ Khó khăn của cá nhân
Cá nhân chính là người phải chịu gánh nặng dồn lại của cả ba cấp độ. Cá nhân được nằm ở đáy hình chóp vì đó còn là nơi bạn bắt đầu của những thực hiện thay đổi và tiến hành cội nguồn của kiểm soát. Đây chính là cấp độ để bạn tạo ra sự khác biệt.

Bốn ngã rẽ nguy hiểm trên đường lên đỉnh núi
Khi con đường lên núi trở nên khắc nghiệt, càng trở nên khó khăn, thì càng có nhiều người từ bỏ chuyến đi. Kết quả là, họ có thể chọn phải một trong bốn ngã rẽ nguy hiểm trên đường.

+ Ngã rẽ 1: Lựa chọn “người Leo núi trở thành người Cắm trại”

Người Cắm trại chiếm phần đông trong xã hội và nơi làm việc của chúng ta. Sức cám dỗ của việc cắm trại để hi vọng cơn bão thay đổi sẽ qua đi hay chỉ đơn giản là để tránh những thách thức không ngừng của chuyến leo núi thật khó cưỡng. Thế nhưng, hậu quả của hành động cắm trại lại rất nghiêm trọng và niềm vui chống lại được cám dỗ đó mà không để bị lôi kéo vào con đường dễ dàng dãi cũng rất thật lớn lao.

+ Ngã rẽ 2: Lựa chọn “Công nghệ là vạn năng”

Xu hướng đáng báo động thứ hai là sự biến đổi từ tin tưởng vào giải pháp con người sang tin tưởng vào giải pháp công nghệ. Khi chuyến đi ngày càng trở nên gian nan hơn, con người rất dễ chuyển từ sức mạnh lớn hơn có được từ mục đích và năng lực của bản thân sang dựa dẫm vào công nghệ. Nhưng sự chuyển đổi này sẽ dẫn đến một điều rất nguy hiểm là gây mất ý thức kiểm soát cuộc sống.

+ Ngã rẽ 3: Lựa chọn Tiếp thêm động lực

Càng ngày càng có nhiều người đi chệch khỏi con đường lên đỉnh núi và tìm cách thoát khỏi những gian nan của hành trình leo núi. Nhu cầu tìm kiếm những giải pháp tiếp thêm sức mạnh và giải quyết vấn đề nhanh chóng đã tạo nên một ngã rẽ vô cùng nguy hiểm trên con đường lên núi. Nhiều người coi đó là đường tắt, nhưng thực tế, đó lại là đường cụt.

+ Ngã rẽ 4: Lựa chọn Bất lực - Tuyệt vọng

Phải đương đầu với hàng loạt những thay đổi và áp lực nhưng lại được trả lương mỗi lúc một ít đi. Số người cảm thấy cho dù họ có làm gì đi chăng nữa thì cũng chẳng tạo ra được sự khác biệt nào đang tăng lên mức báo động. Cảm giác bất lực nếu không được giải quyết sẽ di căn thành tuyệt vọng.

Con đường an toàn hơn
Thay vì lựa chọn bất kỳ ngã rẽ nào như trên, bạn có thể tìm được cho mình một con đường an toàn hơn để phát triển AQ cao hơn.

Chương 3: Khoa học về AQ
“Điều xảy ra không quan trọng, mà quan trọng là cách phản ứng với nó”, I Ching.

Ba khối căn bản của AQ
AQ, nhân tố cơ bản quyết định khả năng tiến lên của con người, dựa trên những đột phá trong ba lĩnh vực khoa học khác nhau.

- Khối hợp nhất căn bản 1: Tâm lý học nhận thức

Khối này bao gồm nhiều các nghiên cứu tổng quát và ngày càng phát triển liên quan đến nhu cầu kiểm soát hoặc làm chủ cuộc sống của con người.

Tình trạng bất lực do kinh nghiệm là tiếp thu một cách vô thức niềm tin rằng dù bạn có làm gì thì cũng vô ích, từ đó thủ tiêu dần ý thức kiểm soát.

Cha mẹ cần được trao sức mạnh để làm đại diện cho con mình; giữ gìn một gia đình lành mạnh, tràn ngập tình yêu thương và định hướng cho sự phát triển của con cái. Lãnh đạo doanh nghiệp cần được trao sức mạnh để vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Bạn cần được trao sức mạnh để tiếp tục hành trình đi lên của mình. Bất lực do kinh nghiệm là rào cản cuối cùng khiến bạn không thể được trao sức mạnh, vì thế sẽ khiến bạn không thể tiến lên.

Một số nghiên cứu của Seligman, Dweck và các nhà nghiên cứu khác cho thấy rằng trẻ em được dạy để trở nên bất lực từ khi còn rất nhỏ. Một người cha làm hết mọi việc cho con gái, vô tình đã dạy cho con mình sự bất lực bằng cách không bao giờ để cho bé đối mặt với những thử thách của chính mình. Nhưng không phải ai cũng bị ảnh hưởng. Một số người được dạy để miễn dịch với nó.

Những người có khả năng chịu đựng sẽ gánh chịu ít hơn những tác động tiêu cực của nghịch cảnh. Những đứa trẻ kiên cường trở thành những người có khả năng lập kế hoạch và chuẩn bị tốt hơn so với những đứa kém kiên cường hơn.

Không giống như gen di truyền, sức chịu đựng có thể được nhào nặn. Những người có ý thức về hiệu quả bản thân biết vượt lên sau thất bại, họ nhìn nhận mọi việc theo hướng làm thế nào để giải quyết vấn đề hơn là ngồi một chỗ lo lắng về những điều bất lợi có thể xảy ra.

Lý luận tổng thể về kiểm soát:
+ Thành công chịu ảnh hưởng đáng kể bởi ý thức về kiểm soát hoặc làm chủ cuộc sống.
+ Thành chịu công chịu ảnh hưởng lớn và có thể dự đoán được từ cách phản ứng và giải thích nghịch cảnh.
+ Cá nhân phản ứng với nghịch cảnh theo những cách thức nhất định.
+ Nếu không được kiểm soát, các cách thức phản ứng này sẽ duy trì như vậy cho đến suốt cuộc đời.
+ Các cách thức phản ứng này nằm trong tiềm thức và bởi vậy chúng hoạt động ngoài tầm nhận thức của bạn.

- Khối căn bản 2: Khoa học mới về sức khỏe

Những nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực tâm lý thần kinh miễn dịch học đã chứng minh được rằng tồn tại mối liên hệ trực tiếp, có thể đo lường, được giữa cách nghĩ, cảm giác của bạn và những gì diễn ra trong cơ thể bạn. Những người có phản ứng tích cực nhất với các sự kiện của cuộc sống đã sống được lâu nhất.

Chúng ta biết được rằng:
+ Cách phản ứng với nghịch cảnh và sức khỏe thể chất, tinh thần có mối quan hệ trực tiếp với nhau.
+ Kiểm soát là nhân tố thiết yếu đối với sức khỏe và tuổi thọ.
+ Cách phản ứng với nghịch cảnh (AQ) có ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch, khả năng phục hồi sau phẫu thuật, và khả năng mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
+ Phản ứng tiêu cực với nghịch cảnh có thể dẫn đến trầm cảm.

- Khối căn bản 3: Thần kinh học

Khi bạn lặp đi lặp lại một hành động hoặc suy nghĩ, não bộ sẽ thích ứng bằng cách tạo ra những lối mòn thần kinh dày đặc và hiệu quả hơn. Kết quả là “lối mòn” trở thành một siêu xa lộ thần kinh. Nó trở thành một phần trong cấu trúc sinh lý học của thói quen.

Nếu bạn càng lặp lại một suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực, thì nó sẽ càng ăn sâu, ngấm nhanh và tự động hơn. Để từ bỏ những thói quen xấu hoặc tiêu cực, như AQ thấp chẳng hạn, bạn phải bắt đầu từ vùng ý thức của não bộ và bắt đầu một lối mòn thần kinh mới. Tiến sỹ Nuwer cho biết, điều này có thể thể xảy ra ngay lập tức.

Ba khối trên hợp nhất cấu thành nên AQ, giúp giải thích tại sao các cá nhân, nhóm, tổ chức, và đoàn thể lại bỏ cuộc hoặc cắm trại trong khi những người khác vẫn tiếp tục kiên trì.

PHẦN 2 - ĐO LƯỜNG VÀ GIẢI THÍCH AQ

Chương 4: Hồ sơ Phản ứng với nghịch cảnhTM. Đo lường AQ và khả năng leo núi của bạn

Hồ sơ Phản ứng với Nghịch cảnh sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát hoàn toàn mới và căn bản về những động lực thúc đẩy bạn cũng như những trở ngại có thể xuất hiện trên hành trình phát huy đầy đủ tiềm năng của bạn.

Hồ sơ Phản ứng với Nghịch cảnh (ARP) đã được hoàn thành bởi hơn 7.500 người từ khắp nơi trên thế giới thuộc rất nhiều nghề nghiệp, tuổi tác, sắc tộc và văn hóa khác nhau.

Đây là một phương pháp đánh giá hiệu quả cách thức phản ứng với nghịch cảnh của con người và là một công cụ dự đoán thành công chính xác.

Có 30 sự kiện và bạn sẽ được trả lời các câu hỏi cho mỗi sự kiện theo cách thức như sau:
1. Hãy hình dung mỗi sự kiện thật sống động như thể nó đang xảy ra lúc này, ngay cả khi dường như điều đó là không thể xảy ra.

2. Đối với cả hai câu hỏi của mỗi sự kiện, hãy khoanh tròn một số từ 1 đến 5 mà bạn lựa chọn.

(Lưu ý: Hồ sơ Phản ứng với nghịch cảnh được trình bày đầy đủ trong cuốn sách “AQ – chỉ số vượt khó” giúp bạn đo lường chỉ số AQ của bạn).

Chương 5: Giải thích chỉ số vượt khó và khả năng tiến lên của bạn

Miền liên tục AQ
AQ không chỉ phân chia thành “cao” hay “thấp”, mà chúng được chia thành một miền liên tục. Điểm càng cao, thì bạn càng có khả năng được hưởng những lợi ích có được nhờ AQ cao. AQ thường rơi vào khoảng giữa nhiều hơn là hai thái cực của miền liên tục theo phân bố thông thường hay theo hình chuông.
Diễn giải AQ tổng thể của bạn
Sẽ có khác biệt giữa những người có AQ thấp, trung bình và cao. Những diễn giải chung này nhằm giúp bạn hiểu thêm về bản thân chứ không phải để phân loại bản thân hay quyết định số phận của mình.

+ 166 - 200: Bạn sẽ có khả năng chống chọi với những khó khăn rất lớn và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống.
+ 135 – 165: Bạn sẽ có thể kiên trì vượt qua khó khăn tương đối tốt và phát huy được những tiềm năng không ngừng lớn mạnh của mình mỗi ngày.
+ 95 - 134: Bạn thường điều khiển cuộc sống của mình khá tốt miễn là mọi việc tương đối suôn sẻ. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải chịu đau khổ một cách không cần thiết khi gặp những khó khăn lớn hơn.
+ 60 - 94: Có lẽ bạn đang không tận dụng và phát huy được tiềm năng của bản thân. Khó khăn có thể gây ra cho bạn những thiệt hại đáng kể và không cần thiết, khiến cho hành trình của bạn càng thêm khó khăn gấp bội.
+ 59 trở xuống: Bạn đã phải chịu đau khổ một cách không cần thiết theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể tạo ra những thay đổi trong đời sống cá nhân và công việc của mình bằng cách nhìn nhận khó khăn bằng một con mắt khác.

Các đại lượng CO2RE của AQ
AQ của bạn bao gồm bốn đại lượng CO2RE, là từ viết tắt cho bốn đại lượng của AQ. Các đại lượng CO2RE này quyết định đến AQ tổng thể của bạn. Bạn phải xem xét CO2RE kỹ lưỡng hơn mới có thể hiểu đầy đủ AQ của mình.

+ C (Control) có nghĩa là Kiểm soát, nó đặt ra câu hỏi: Bạn nhận thấy mình kiểm soát được đến đâu đối với một sự kiện bất lợi?

O2 (Origin và Ownership) là Nguồn gốc và Trách nhiệm., nó đặt ra hai câu hỏi: “Ai hay cái gì là nguồn gốc của nghịch cảnh?” và “Tôi nhận trách nhiệm về kết quả của nghịch cảnh này ở mức độ nào?”.

Điểm số nguồn gốc của bạn càng thấp, thì bạn càng dễ đổ lỗi cho bản thân. Ngược lại, bạn càng có xu hướng xem xét các nguyên nhân bên ngoài khác của nghịch cảnh, và xác định vai trò của bản thân trong tình huống đó.

+ R (Reach) là Phạm vi ảnh hưởng. R đặt ra câu hỏi: Nghịch cảnh này sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống ở mức độ nào?

Điểm R của bạn càng thấp thì bạn càng dễ làm trầm trọng hóa những sự kiện bất lợi, để cho chúng ảnh hưởng sang các lĩnh vực khác, phá hoại hạnh phúc và sự bình yên trong tâm trí của mình. Ngược lại, điểm R của bạn càng cao thì bạn càng có khả năng hạn chế ảnh hưởng của vấn đề đến các sự kiện tiếp theo. Một lời đánh giá nghiêm khắc chỉ đơn thuần là một lời đánh giá nghiêm khắc mà thôi, thậm chí đó còn là một kinh nghiệm để học hỏi.

+ E (Endurance) nghĩa là Tính lâu dài, nó đặt ra hai câu hỏi có liên quan: “Nghịch cảnh sẽ kéo dài bao lâu?” và “Nguyên nhân của nghịch cảnh sẽ kéo dài bao lâu?”.

Điểm số E của bạn càng thấp, thì bạn càng dễ nhận thức rằng nghịch cảnh và/hoặc nguyên nhân của nó sẽ kéo dài rất lâu. Những người coi khả năng của mình là nguyên nhân thất bại (nguyên nhân lâu dài) thường kém kiên trì hơn so với những người quy kết thất bại là do nỗ lực của bản thân (nguyên nhân tạm thời).

Cá nhân hóa hồ sơ của bạn
Bạn cần hiểu sâu hơn về hồ sơ của mình bằng cách cá nhân hóa nó, áp dụng nó vào công việc và cuộc sống của bản thân. Bạn càng áp dụng tốt các khái niệm này, thì AQ càng có tác động lớn lao hơn đến thành công của bạn.

AQ của bạn và bắt tay vào hành động
AQ không phải là số phận của bạn, mà nó chỉ là một hình ảnh phản chiếu thói quen phản ứng của bạn đối với nghịch cảnh, một thước đo về kiểu tiềm thức mà bạn đã hình thành trong nhiều năm qua. AQ giải thích và đo lường xu hướng của bạn là sẽ leo núi, cắm trại hay bỏ cuộc, và đồng thời nó cũng dạy cho bạn những kỹ năng để tiến lên.

PHẦN 3 - NÂNG CAO AQ CHO BẢN THÂN, NGƯỜI KHÁC VÀ TỔ CHỨC

Chương 6: Chuỗi LEAD – Nâng cao AQ và khả năng tiến lên của bạn
Chuỗi LEAD và các biện pháp ngăn chặn xuất phát từ hai nguồn thông tin chính – nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế. Chúng được điều chỉnh dựa trên công trình của một số nhà nghiên cứu có uy tín về tâm lý học nhận thức. Một trong những bước đột phá trong lĩnh vực này là giúp chúng ta hiểu rằng cá nhân không cần thiết phải tái hiện lại hoặc phải liên tục đối diện với tất cả những nỗi đau trong quá khứ mới có thể cải thiện được đáng kể sức khỏe tâm lý và khả năng chịu đựng của bản thân.

Chuỗi LEAD gồm:

L (Listen) = Lắng nghe cách phản ứng của mình với nghịch cảnh

Là bước then chốt để biến AQ của bạn từ thói quen suy nghĩ lâu dài thuộc tiềm thức thành một công cụ có sức mạnh to lớn để bạn cải thiện bản thân và đạt được hiệu quả lâu dài.
Phát triển giác quan của người Leo núi: kỹ năng đầu tiên mà bạn cần có là khả năng cảm nhận được ngay lập tức thời điểm mà nghịch cảnh sẽ xảy ra. Giống như một người kiểm lâm có thể cảm thấy mùi lửa trước khi nó lan rộng quá tầm kiểm soát, bạn có thể học cách cảm nhận nghịch cảnh trước khi nó gây hậu quả trầm trọng.

Việc lưu ý đến mỗi sự kiện bất lợi sẽ đem lại những lợi ích nhất định. Nhận thấy được nghịch cảnh sẽ cho phép bạn đánh giá và tăng cường phản ứng của bản thân.

Rung chuông báo động! Một phương pháp khác mà bạn có thể sử dụng để ghi nhớ thời khắc phát hiện ra nghịch cảnh là đặt chuông báo động ở trong đầu mỗi khi nó xảy ra. Ghi nhớ càng lâu thì nó càng trở nên hiệu quả.

E (Explore) = Tìm hiểu nguồn gốc và trách nhiệm của bạn đối với kết quả.

Bước thứ hai trong chuỗi LEAD, đặt ra một câu hỏi: Bạn có sẵn lòng giải quyết tình huống nếu như bạn chỉ nhận lỗi nhưng không hề cảm thấy có trách nhiệm phải giải quyết?

Nếu bạn tự đổ lỗi cho mình nhưng không chịu nhận tý trách nhiệm nào với tình hình khó khăn về tài chính của công ty mình, thì làm sao bạn có để tập trung năng lượng và sẵn sàng làm thêm giờ để tìm ra giải pháp?

Chỉ cần một chút ít trách nhiệm, chứ không phải nhận lỗi, là đã góp phần quan trọng giúp bạn học hỏi, rút kinh nghiệm hoặc giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Bước này có hai cấu phần bổ trợ cho nhau: Nguồn gốc và Trách nhiệm.

Nguồn gốc ở đây ám chỉ việc quy trách nhiệm, hay nhận lỗi, ở mức độ phù hợp vì đã gây ra sự kiện – nhưng không hơn, không kém. Cấu phần Nguồn gốc trong bước E của chuỗi LEAD đặt ra ba câu hỏi sau:
+ Đâu là những nguồn gốc khả dĩ của nghịch cảnh?
+ Trong những nguồn gốc đó, thì đâu là lỗi của tôi?
+ Cụ thể, đáng lẽ tôi đã có thể làm gì khác biệt hoặc tốt hơn trong tình huống đó?

Cấu phần Trách nhiệm trong bước E của chuỗi LEAD đặt ra câu hỏi “Tôi nên chịu trách nhiệm đối với phần nào của kết quả?”.

A (Analyze) = Phân tích bằng chứng.

Bao gồm một quy trình đặt câu hỏi đơn giản, trong đó bạn xem xét, biện luận, và cuối cùng là thay đổi những khía cạnh tiêu cực trong phản ứng của mình:
+ Bằng chứng nào cho thấy tôi không thể có chút khả năng kiểm soát đượ cnào?
+ Bằng chứng nào cho thấy nghịch cảnh phải có tác động đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống của tôi?
+ Bằng chứng nào cho thấy nghịch cảnh phải kéo dài lâu hơn cần thiết?

Abraham Lincoln đã từng nói, “Nếu bạn biện luận cho những hạn chế của mình, thì bạn sẽ không thể thoát khỏi những hạn chế đó”.

Đánh giá phạm vi ảnh hưởng: Bằng chứng nào cho thấy tôi không thể kiểm soát được? Chẳng có bằng chứng nào cho thấy điều đó cả. Nếu bạn bất lực, thì khi đó bạn sẽ không phải gánh bất kỳ trách nhiệm nào, mọi người sẽ cảm thấy thương tiếc cho bạn, và người khác sẽ giải quyết vấn đề đó cho bạn. Thế nhưng lựa chọn đó có thể hủy hoại cuộc sống của bạn.

D (Do) = Hãy làm gì đó!

Hành động tạo ra động lực rất lớn, có tác động mạnh mẽ và có sức quyến rũ rất cao. Tuy nhiên, khi cố gắng giải quyết nghịch cảnh ngay tức thì bằng hành động thường khiến cho bạn dễ bị tổn thương do chưa đến lúc phải hành động. Cách phản ứng kém hiệu quả cũng có thể lấy đi nguồn năng lượng quan trọng cần thiết.

Chuỗi LEAD là một công cụ rất hữu hiệu giúp bạn phản ứng với nghịch cảnh theo cách tích cực nhất có thể và chuyển hướng sang thực hiện những hành động tích cực, khi bạn đã sẵn sàng.

Ba bước đầu tiên trong chuỗi LEAD giúp bạn thay đổi cách suy nghĩ và tiếp thêm nhiên liệu cần thiết để bạn có thể xem xét, tập trung và cuối cùng là thực hiện những hành động có ý nghĩa.

Cũng giống như ba bước trước, thực hiện hành động đòi hỏi phải đặt ra những câu hỏi phù hợp, được lựa chọn kỹ lưỡng. Bạn cần đặt ra cho bản thân sáu câu hỏi sau:
1. Tôi cần có thêm thông tin gì khác? Tôi sẽ tìm kiếm thông tin đó bằng cách nào?
2. Tôi có thể làm gì để giành được một chút kiểm soát trong tình huống này?
3. Tôi có thể làm gì để hạn chế phạm vi ảnh hưởng của nghịch cảnh này?
4. Tôi có thể làm gì để hạn chế thời gian ảnh hưởng của nghịch cảnh này?
5. Tôi sẽ thực hiện hành động nào trước trong số này?
6. Chính xác là tôi sẽ thực hiện hành động này khi nào? Vào ngày nào và thời điểm nào?

Cho dù bạn đã từng trải qua những nghịch cảnh rất lớn hay chưa, thì cũng có những lúc bạn cảm thấy chán nản đến mức thậm chí không cả sẵn sàng để nghĩ hay làm một điều gì đó. Bạn có thể sử dụng chuỗi LEAD để tránh để cho những cảm giác này vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Khi ngẩng đầu nhìn lên đỉnh núi, bạn thấy có một chướng ngại vật trên đường đi của mình. Bạn sẽ làm gì? Để vượt qua chướng ngại vật đó, bạn nên học hỏi và áp dụng tư duy của người mới bắt đầu, mà minh họa rõ nhất là chính cách trẻ nhỏ tập đi. Trẻ cứ đứng dậy, thử bước đi, rồi ngã. Nhưng nó vẫn cứ làm đi làm lại điều đó rất nhiều lần. Điều chúng ta sợ nhất không phải là những gì chúng ta sẽ không có, mà là những gì chúng ta sẽ trở thành. Một khi bạn đã vượt qua được, thì chuyến đi sẽ trở nên dễ dàng hơn đôi chút.

Chương 7: Ngăn chặn trầm trọng hóa vấn đề

Đám cháy trong suy nghĩ
Theo các nhà tâm lý học nhận thức, trong số rất nhiều kiểu phản ứng với nghịch cảnh, thì kiểu dễ khiến con người ngã lòng nhất là làm trầm trọng hóa vấn đề. Trầm trọng hóa vấn đề có liên quan đến đại lượng CO2RE thứ ba, phạm vi ảnh hưởng, và xảy ra khi bạn để cho tác động của một sự kiện lan rộng ra, giống như một đám cháy, hủy hoại những khía cạnh khác trong cuộc sống đáng quý của bạn.

Các biện pháp để tránh làm trầm trọng hóa vấn đề:

Phân tán tập trung:
+ Đập mạnh lòng bàn tay lên một mặt phẳng cứng và hét lên “Dừng lại!”. Cơn đau và tiếng ồn sẽ gửi một tín hiệu lớn đến não, làm ngắt quãng dòng suy nghĩ trong hệ thần kinh. Ngay lập tức nó sẽ dừng lại lối mòn mà bạn đang theo đuổi.

+ Chú ý tập trung vào một vật không liên quan. Khi tập trung chú ý vào một vật không liên quan là bạn đang phân tán não bộ.

+ Buộc một sợi dây thun vào cổ tay và hãy kéo dây để thoát ra khỏi suy nghĩ tiêu cực!

+ Phân tán bản thân bằng một hành động không liên quan, như bật nhạc thật to, xem một cuốn phim thật ngớ ngẩn, hay làm bất cứ điều gì có thể khiến bạn cười.

+ Thay đổi tâm trạng bằng bài tập thể dục.

Biện pháp thay đổi cách nhìn nhận:
+ Tập trung suy nghĩ lại mục đích của mình. “Tại sao mình lại làm điều này?”. Kỹ thuật này phù hợp nhất khi bạn cảm thấy mình đã mất đi cái nhìn tổng quát về tình hình, bị ám ảnh bởi những chi tiết vụn vặt.

+ Khiến bản thân trở nên nhỏ bé. Khi nhìn đại dương mênh mông và bầu trời sâu thẳm, có điều gì đó khiến cho bạn nhận ra rằng vấn đề của mình thật nhỏ bé trong cái vũ trụ bao la rộng lớn này.

+ Giúp người khác. Không gì tốt hơn là nhìn vào những bất hạnh của người khác để đặt nỗi bất hạnh tầm thường, nhỏ nhoi của chính mình vào đúng bối cảnh của nó. Làm điều tốt không chỉ giúp bạn quên đi nỗi day dứt của bản thân mà còn đem đến rất nhiều tác dụng tích cực về mặt sinh lý và tâm lý, khiến tinh thần của bạn phấn chấn lên và tăng cường khả năng miễn dịch của bạn.

Chương 8: Giúp người khác nâng cao AQ và khả năng tiến lên của họ

Phương pháp dẫn dắt người khác
Khía cạnh quan trọng nhất của chuỗi LEAD là tính phổ cập của nó vì nó gần như áp dụng được cho bất cứ ai có khả năng suy luận. Việc thực hiện nó diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 5 đến 20 phút – ít hơn nhiều so với thời gian để một người kêu ca về những vấn đề rắc rối của mình.

Đối với chuỗi LEAD, cách tốt nhất là để cho họ tự khám phá và trải nghiệm thay vì chỉ nghe bạn giải thích. Vì vậy, phần quan trọng nhất trong chiến lược LEAD là chỉ nên hỏi chứ đừng nên nói. Bất cứ khi nào bạn sử dụng chuỗi LEAD, thì hãy luôn đóng vai trò là người hướng dẫn, đừng đóng vai trò là một chuyên gia.

Lắng nghe có một số chức năng nhất định. Nó giúp con người ta cảm thấy được công nhận, được khẳng định, và được quan tâm. Nếu làm đúng, lắng nghe sẽ đem lại cho con người ta cơ hội được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ trong một môi trường an toàn. Nói ra vấn đề rắc rối có vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, nhưng không phải lúc nào nó cũng giúp bạn cảm thấy tốt hơn!

Tránh rơi vào bẫy khuyên nhủ. Cách tốt nhất là nên dẫn dắt để người đó có AQ cao hơn. Chuỗi LEAD bắt đầu là lắng nghe, nhưng kết thúc lại là cam kết hành động. Thông qua chuỗi LEAD, chứng minh cho người khác thấy rằng không hề có bằng chứng nào cho thấy những kết luận tiêu cực của họ là đúng, đồng thời họ cũng nâng cao được trách nhiệm của họ đối với kết quả.

Xem xét lại vai trò của người lãnh đạo
Người lãnh đạo phải rèn luyện cho nhân viên đối mặt với nghịch cảnh bằng thái độ và hành động tích cực hơn. Điều này sẽ tăng cường khả năng tuân thủ của họ.

Để thấy rõ được tầm quan trọng của AQ đối với vị trí lãnh đạo, bạn hãy tưởng tượng một người lãnh đạo có AQ thấp. Anh ta chỉ giỏi tạo ra được một tầm nhìn hấp dẫn, biết xây dựng chiến lược, và truyền được cảm hứng cho nhân viên. Thế nhưng, những kỹ năng này có tác dụng gì khi mà người lãnh đạo không thể kiên trì vượt qua được nghịch cảnh.

Ngược lại, hãy tưởng tượng một người lãnh đạo có các kỹ năng xây dựng tầm nhìn, chấp nhận mạo hiểm, định hướng thay đổi, và tạo động lực cho người khác chỉ ở mức trung bình, nhưng lại có AQ cao. Người lãnh đạo có AQ cao sẽ cho rằng thách thức đó đáng để mình phải nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, và huy động nhiều nguồn lực hơn. Họ sẽ kiên trì cố gắng để hoàn thiện những kỹ năng mà mình còn thiếu. “Khả năng lãnh đạo” và “AQ cao” có quan hệ cộng hưởng với nhau.

Những lợi ích phía sau việc dẫn dắt người khác
Chuỗi LEAD đem lại lợi ích cho cả người dẫn dắt và người được dẫn dắt.

Với vai trò là người dẫn dắt, phần thưởng quý giá là đem đến ảnh hưởng tích cực, có ý nghĩa và lâu dài cho người khác.

Nếu là người quản lý hay lãnh đạo, bạn sẽ giúp cho bản năng của người Leo núi thấm nhuần vào trái tim và tâm hồn của nhân viên. Điều đó cũng có nghĩa là bạn đang bắt đầu xây dựng một văn hóa leo núi – nơi nuôi dưỡng và đòi hỏi con người phải biết tự phục hồi, kiên trì, biết chấp nhận rủi ro, đón nhận thay đổi, và không ngừng tự hoàn thiện bản thân.

Với tư cách là một người cha, người mẹ và/hoặc là một người bạn, bạn giúp nâng cao và kích thích tinh thần của mọi người xung quanh mình. Bạn đem đến cho những người thân yêu các công cụ cần thiết để họ định hướng cho cuộc sống và sống có mục đích, có đam mê.

Khả năng lập trình cho não bộ biết chiến thắng bất cứ trở ngại nào xảy đến với mình không chỉ quan trọng đối với cá nhân bạn mà còn cần thiết không kém đối với các cộng đồng, các nền văn hóa, các tổ chức, và nhóm.

Chương 9: Tổ chức có AQ cao. Xây dựng văn hóa leo núi

Thời điểm phù hợp để áp dụng AQ
Có một số nhân tố khiến cho đây chính là thời điểm lý tưởng để tổ chức học hỏi và áp dụng AQ:
• Mối đe dọa đến sự sống còn của công ty.
• Nhu cầu nâng cao yêu cầu về mong đợi, hiệu quả và năng suất làm việc.
• Nhu cầu nhen nhóm lại ý thức về mục đích.
• Cạnh tranh tăng.
• Tinh thần tự mãn lan rộng.
• Nhu cầu lớn hơn về khả năng sáng tạo và đổi mới.
• Tâm lý Người cắm trại ngày càng gia tăng.
• Một giếng sâu đầy những tiềm năng chưa được khai phá.
• Thiếu đức tính kiên cường.
• Phải đối mặt với nghịch cảnh lớn hơn.
• Làm nhiều hơn, lương ít hơn.
Khó khăn lớn nhất đối với hầu hết các tổ chức chính là phải thực hiện hàng loạt những thay đổi liên tục.

AQ và thay đổi
Giai đoạn 1 là Chấm dứt cái cũ, tức là bạn từ bỏ và ngừng làm những gì quen thuộc.
Giai đoạn 2 là Quá độ từ phương thức cũ sang phương thức mới. Đây là giai đoạn lộn xộn, tốn kém và thường gây nản lòng của thay đổi.

Giai đoạn 3 là Khởi đầu mới. Đối với những người đủ có may mắn để vượt qua thời kỳ quá độ, thì giai đoạn này chính là lúc để họ áp dụng các hành vi, hệ thống, chiến lược và quy trình mới để hoàn thành công việc.

Thay đổi và lợi thế cạnh tranh: AQ là biến số quyết định đến khả năng đẩy nhanh và tăng cường thay đổi. Trước tiên, một tổ chức có AQ cao có thể giảm bớt độ sâu và rộng của giai đoạn quá độ. Lợi ích thứ hai là một tổ chức có AQ cao sẽ có thể vượt qua được chướng ngại vật khi nó xuất hiện ở giai đoạn Khởi đầu mới. Cách phản ứng AQ cao đối với thay đổi cũng sẽ tạo động lực và lòng kiên cường cần thiết để tổ chức thực hiện thành công những thay đổi không ngừng.

Thực hiện thay đổi chỉ là một trong vô vàn những thách thức mà người lãnh đạo phải đối mặt, và AQ cao có thể đem lại những tác động tích cực đối với những thách thức này.

Những thách thức mà người lãnh đạo phải đối mặt
Ngày nay, người lãnh đạo, phải đối mặt với một số câu hỏi như sau:
• Cần phải làm gì để duy trì khả năng cạnh tranh trong những thời điểm bất ổn?
• Cần phải làm gì để xây dựng và duy trì một tầm nhìn hấp dẫn về tương lai?
• Cần phải làm gì để nhanh chóng phục hồi sau khi thực hiện tái thiết lập, cắt giảm nhân sự, và tái cơ cấu?
• Cần phải làm gì để nhanh chóng phục hồi sau khi thực hiện tái thiết lập, cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu?
• Làm thế nào để phá bỏ được giới hạn của bản thân nhằm nuôi dưỡng được sức sáng tạo?
• Làm thế nào để khuyến khích mọi người thấy rõ được kết quả cuối cùng của thay đổi?
• Cần phải làm gì để xây dựng văn hóa bền bỉ để giúp nhân viên vượt qua được những thay đổi liên tục và tiếp tục hành trình đi lên?

Vai trò của AQ đối với tổ chức
Nếu như bạn có thể đo lường AQ của cá nhân thì bạn cũng có thể đo lường AQ của tổ chức, thông qua các đánh giá:
+ Khả năng hùng biện của lãnh đạo.
+ Hành vi và ngôn ngữ sau một thất bại hoặc thay đổi.
+ Cách tổ chức nói về những thách thức hiện tại và tương lai của mình.
+ Lịch sử giải quyết những khó khăn, thất bại; những câu chuyện và chiến công; những anh hùng và kẻ phản bội.
+ AQ của những người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng (so với những người khác ở cùng vị trí trong cùng ngành).
+ AQ của các nhóm chủ chốt hoặc các cá nhân quan trọng khác.
+ …

Rào cản ngăn trở khiến tổ chức không có được AQ cao
Theo Quy tắc của người Cắm trại, họ cho rằng cuộc sống cần phải thoải mái, an toàn, ổn định, và vui vẻ. Ý nghĩ và hành động để củng cố nơi cắm trại được coi là tốt; còn những thứ đe dọa đến nó đều bị coi là xấu. Do thường chiếm số đông trong một tổ chức, vì vậy người Cắm trại có ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa của tổ chức đó.

Tất cả chúng ta đều có cái động lực cốt lõi là tiến lên. Đối với một số người trong chúng ta, động lực này đã bị vùi lấp sâu hơn và đòi hỏi nhiều công sức hơn để được giải phóng. Thế nhưng chúng ta bắt buộc phải đưa nó lên.

Thách thức đảm bảo tính nhất quán: ở nhiều tổ chức, các hệ thống và quy trình hướng dẫn hành vi không hề nhất quán với văn hóa leo núi. Muốn sửa chữa tình trạng không nhất quán này, đòi hỏi phải tiến hành phân tích và hành động. Nếu làm được hai điều này, thì tổ chức sẽ giải phóng được nguồn năng lượng to lớn của mọi người một khi đã thiết lập và khôi phục lại được tính nhất quán.

Những vấn đề sau chương trình tập huấn
Những nhân tố nào có thể chủ định và vô tình cản trở, phá hoại những cố gắng để nâng cao AQ trong công việc của một người? Người lãnh đạo có thể gây trở ngại cho chuyến leo núi ra sao trước khi nó bắt đầu?

Luôn hứa nhiều hơn những gì mình có thể làm. Những lời hứa suông là công cụ hủy diệt động lực vô cùng hiệu quả. Nếu giết chết niềm tin cũng có nghĩa là bạn kết thúc hành trình đi lên của cả nhóm.

Nạn nhân kiểu mẫu. Thể hiện là mình đang chán nản, vô vọng, và bị áp đảo. Chắc chắn người khác sẽ làm theo bạn.

Né tránh bất kỳ khó khăn nào từ bên ngoài khiến cho nhân viên của bạn cảm thấy toàn bộ sức mạnh của nghịch cảnh. Càng sớm gặp phải nghịch cảnh, thì họ sẽ càng sớm nhận ra rằng dù thế nào đi nữa họ cũng không thể làm gì khác được.

Hứa suông về trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm. Nói một tràng dài ca ngợi việc cam kết hành động đối với các dự án và dám chịu trách nhiệm đối với kết quả, nhưng sau đó, trừng phạt bất kỳ ai cố gắng chứng minh sáng kiến đó bằng cách dồn hết trách nhiệm cho họ.

Tảng lờ bất kỳ khả năng đóng góp nào đối với thành công của nhóm. Nếu nghi ngờ thì bạn hãy nhận lấy toàn bộ công việc. Khi tự làm lấy tất cả mọi thứ, chắc chắn là bạn sẽ phải làm thêm việc, nhưng nhân viên của bạn sẽ nhanh chóng học được cách thụ động ngồi chờ mệnh lệnh tiếp theo của bạn.

Sử dụng từ “thất bại” thật thường xuyên mỗi khi thể hiện rằng bạn đang thất vọng về một điều gì đó.

Hủy hoại sức sáng tạo. Đợi đến khi một nhân viên mới, trẻ tuổi, hăng hái nào đó nhiệt tình đưa ra một ý tưởng trong một cuộc họp, nghe hết những gì cô ta nói từ đầu đến cuối, rồi sau đó công khai phê bình gay gắt.

Tổ chức leo núi
Mục đích và nguyên tắc: cũng giống như cá nhân, mỗi tổ chức đều có ngọn núi riêng mình. Ngọn núi của nó được định nghĩa là mục đích hay sứ mệnh - tức là lý do mà nó tồn tại. Để có được sự cam kết và cống hiến sâu sắc nhất cũng như sự đồng tâm hiệp lực cao nhất của một nhóm người, đòi hỏi phải có một mục đích cao hơn, lâu dài hơn để họ cùng phấn đấu để đạt được mục đích đó.

Chương 10: Thói quen của người Leo núi
Nguyên nhân khiến hầu hết mọi người đều thất bại khi học những kỹ năng mới.

Năm cấp độ thành thạo của Howell
Cấp độ 1: Không thành thạo vô thức. Đây là tình trạng không biết là mình không biết.

Cấp độ 2: Không thành thạo có ý thức. Bạn biết là bạn không thành thạo các kỹ năng đó.

Cấp độ 3: Thành thạo có ý thức. Ở cấp độ này, bạn có thể làm được nếu bạn thực sự tập trung.

Cấp độ 4: Thành thạo vô thức. Để đạt được đến giai đoạn này, tất cả những gì bạn cần làm là thực hành. Nếu chịu khó thực hành, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy kết quả gần như ngay tức thì.

Cấp độ 5: Siêu thành thạo vô thức. Ở giai đoạn này, bạn có thể làm được điều gì đó một cách cực kỳ xuất sắc mà không phải cần suy nghĩ gì. Dần dần, bạn có thể đạt được đến cấp độ này nếu kiên trì giúp bản thân và người khác nâng cao AQ.

Khi đọc năm cấp độ này, có lẽ bạn cũng mơ hồ thấy chúng có vẻ gì đó quen thuộc. Đó là vì chúng miêu tả những hoạt động xảy ra trong não bộ khi bạn hình thành một thói quen. Khi bạn nghĩ hay làm điều gì đó càng thường xuyên, thì nó sẽ càng đi vào tiềm thức và trở thành tự động. Não bộ được lập trình hoàn hảo để cho phép hoạt động di chuyển từ vỏ não (vùng ý thức) sang đáy não (vùng tiềm thức). Trong quá trình này, các sợi nhánh (kết nối) ngày càng dày lên và hiệu quả hơn.

Hai nhân tố ảnh hưởng đến thành công

Nhân tố đầu tiên là mức độ quan trọng.
Nhân tố thứ hai là độ khó.

Việc dẫn dắn (LEAD) bản thân hay người khác để có AQ cao hơn không hề khó. Bạn chỉ cần trả lời duy nhất một câu hỏi đơn giản khi sử dụng cuốn sách này: Việc nâng cao AQ và khả năng vượt qua nghịch cảnh của bản thân có vai trò quan trọng như thế nào đối với bạn?

Bạn sẽ có được những lợi ích thỏa đáng khi kiên trì thực hiện qua 5 cấp độ của Howell và nâng cao AQ của mình. Có lẽ phần thưởng lớn nhất dành cho bạn sẽ là bạn bắt đầu cảm thấy có khả năng kiểm soát đối với cuộc sống của mình.

Không như các chiến lược khác mà bạn đã từng thử, bạn sẽ hiểu rằng AQ không phải là một giải pháp nhanh, mà nó là một công thức lâu dài dựa trên một sự thật cơ bản, đó là cuộc sống rất khó khăn - nhưng cách bạn đối mặt với nó sẽ quyết định số phận của bạn.

Đặt mua sách giấy tại đây: Tiki.vn
Người tóm tắt: ÁI SA (Thaihabooks)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.