Tại sao mọi người lại muốn được làm việc cùng Steve Jobs?
Mặc dù có những tình tiết không mấy dễ chịu khắc họa Steve Jobs trong bộ phim vừa mới ra mắt về ông như một nhà quản lý khó tính của thời đại, nhưng tại sao rất nhiều nhân viên lại muốn có một cơ hội được làm việc cùng ông?
Trong bộ phim được đạo diễn bởi Danny Boyle và biên kịch Aaron Sorkin về tiểu sử của nhà sáng lập Apple được phát hành trong nhiều ngày qua, một Steve Jobs hiện lên khác hẳn với những gì chúng ta nghĩ như sự kiêu ngạo, sự bốc đồng và thiếu tôn trọng.
Bức tranh biếm họa của Jobs đã được dựng lên, một phần trong số đó có thể là đúng và trên thực tế những người làm việc cùng ông cũng đánh giá bộ phim phản ánh đúng tính cách gai góc của ông, ít nhất ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhiều đồng nghiệp của Jobs đã từ bỏ con đường thăng tiến hiện tại để gia nhập vào con tàu “hải tặc” mà Jobs là thuyền trưởng. Đơn cử, là sau khi bị Apple đá ra ngoài vào năm 1985, Jobs đã thành lập một công ty khác có tên NeXT.
Thất bại trong việc tranh cử làm CEO của Apple vào năm 30 tuổi, Jobs đã thành lập NeXT để là nơi tự do thể hiện cá tính của mình về cả mặt xấu và tốt. Ông muốn hướng công ty đi theo những gì mà ông tin tưởng, tầm nhìn của ông về tương lai trong phân khúc dành cho ngành giáo dục đại học.
NeXT sẽ tập trung vào việc sản xuất vào những chiếc máy tính bậc cao, chủ yếu là phục vụ ngành giáo dục, y tế sinh học. Đây là phân khúc mà Apple khi đó không mấy mặn mà, và Jobs thì không muốn cạnh tranh với công ty. Sau đó 10 năm, Apple đã mua lại NeXT, đưa cả con người và công nghệ của NeXT về công ty, đặt ra nền tảng cho những sáng tạo công nghệ cách mạng sau này như phần mềm OSX, iOS, watch OS và App Store.
Khi thành lập NeXT, Jobs đang là nhà triệu phú trẻ của nước Mỹ với số dư tài khoản trong ngân hàng lên đến tám con số từ việc bán cổ phần của mình tại Apple. Lúc này, tính cách trong việc quản lý của Jobs vẫn rất mạnh mẽ, luôn cho rằng mình hầu như đúng, nếu không phải là tất cả, trong phần lớn thời gian.
Trong bản tường trình chủ tịch Hội đồng quản trị Apple, có tựa đề “Làm việc cho/với Jobs” từ nhà quản lý cấp dưới, Raskin đã viết về Jobs trong thời kỳ trên như sau:
“Anh ta là một nhà quản lý đáng sợ…Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ Steve nhưng thật khó có thể làm việc cùng anh. Jobs thường xuyên lỡ các cuộc hẹn. Việc này đã trở nên nổi tiếng đến mức có thể trở thành trò cười cho thiên hạ…Anh ta có những hành động mà không suy nghĩ và có những nhận xét tồi tệ…Rất thường xuyên, khi ai đó trình bày một ý tưởng mới, anh ta lập tức công kích họ và nói rằng thật mất thời gian để xem xét nó. Chỉ đến đây thôi là đủ để kết luận về năng lực quản lý yếu kém của Jobs” trích trong cuốn tiểu sử của Steve Jobs.
Nhưng điều thú vị, khi Jobs rời Apple, một phần lớn trong team làm việc với ông ở Macintosh tại Apple cũng ra đi để tham gia NeXT. Làm như vậy, họ biết rằng mình đang từ bỏ công việc an toàn tại Apple để đi theo Jobs cho việc theo đuổi một tầm nhìn hoàn toàn mới mà không có gì đảm bảo thành công.
Từ đây, câu hỏi được đặt ra rằng nếu Jobs thật sự là một nhà quản lý tệ như Raskin nói, tại sao rất nhiều người trong team trước đây lại sẵn sàng đi theo Jobs bất cứ nơi nào ông đi?
Câu trả lời đơn giản rằng Steve Jobs đối xử tốt với những ai gắn bó trung thành với ông, cho dù có khó khăn.
Andy Cunningham, người đứng đầu nhóm PR và Marketing trong thời kỳ nghiên cứu Mac là một nhân viên điển hình cho lòng trung thành như vậy. Cô mô tả Jobs là một nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược, một thiên tài lập dị với hai bản ngã giữa xấu xa và cực kỳ tuyệt vời.
“Tôi đã gắn bó năm năm làm việc với Jobs và đó thật sự là một trải nghiệm khác thường nhất mà tôi từng được nếm trải. Trong cùng một ngày, tôi có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau như sự ngạc nhiên tột độ, sự giận giữ và cảm giác hài lòng có thể cùng diễn ra trong cùng một khoảng khắc. Jobs đã giúp tôi nhận ra mình có thể làm được những điều lớn lao mà tôi chưa từng nghĩ tới và tôi sẽ không đánh đổi trải nghiệm này cho một điều thú vị khác trên thế giới”, Andy nói.
Trong một bài phát biểu sau cái chết của Jobs, cựu đồng nghiệp của ông tại Apple, Guy Kawasaki cũng cho biết về khả năng vượt trội của Steve Jobs khi biết cách gợi lên sự vĩ đại vốn có trong bản chất của người khác. Kawasaki đã chia sẽ bài học quan trọng mà ông đã có khi được làm việc tại Apple, với hai năm gắn bó với Jobs:
“Những điều mà tôi đã học được khi làm việc trong bộ phận thiết kế Macintosh cùng với nhiều đồng nghiệp hay hàng trăm các cộng sự tuyệt vời khác là chúng tôi có cơ hội để làm điều tuyệt nhất trong cả sự nghiệp của mình vì chúng tôi sẽ đối mặt với những thách thức lớn nhất…Nếu bạn hỏi một nhân viên của Apple rằng tại sao phải luôn thách thức những khó khăn thì họ sẽ trả lời bạn là bởi vì Apple cho phép bạn làm những công việc tốt nhất trong sự nghiệp của mình” Kawasaki cho biết.
Bằng cách nào Jobs có thể truyền nguồn cảm hứng tuyệt vời như vậy vào nhân viên? Trong một cuộc phỏng vấn trên trang Fast Company, CEO hiện tại của Apple, Tim Cook nói rằng, “Steve quan tâm sâu sắc lý do tại sao đưa ra các quyết định. Trong những ngày còn trẻ, tôi từng chứng kiến ông làm điều đó.
Từng ngày trôi qua, ông luôn dành nhiều thời gian hơn với tôi và với những đồng nghiệp khác để giải thích tại sao ông nghĩ như thế hay làm một cái gì đó, hoặc lý do tại sao ông lại nhìn một sự việc nào đó theo một cách nhất định”.
Cook thừa nhận rằng Jobs “không phải là một vị thánh”, nhưng ông muốn nhấn mạnh nhà sáng lập Apple quan tâm sâu sắc về những điều ông đã thực hiện và những người mà mình đã cùng làm việc. “Rất nhiều người lầm tưởng rằng khao khát kiểm soát mọi thứ đã khiến ông kiêu ngạo”, Cook tiếp tục chia sẽ.
Niềm đam mê của Steve Jobs đã được chứng minh là có sức lan tỏa. Đối với tất cả lỗi lầm của mình, ông hoàn toàn có khả năng nhận thức được và do đó có cái nhìn khác mọi người. Và trên tất cả, nếu Jobs không tiêu diệt bạn, ông ấy sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Không có nhận xét nào: