Kỹ năng mềm có thực sự quyết định 75% thành công?

Vài năm trở lại đây,  ở Việt Nam rộ lên "mốt" kinh doanh mới - "kinh doanh tri thức". Rất nhiều người đã rơi vào khủng hoảng về cả tinh thần lẫn vật chất khi dốc toàn bộ tâm sức để theo đuổi sự hào nhoáng của nghề này. Để rồi nhận ra rằng, nó không "bở ăn" như người ta vẫn nói.

Đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn tổng quan, một nhận thức đầy đủ về "Nghề chia sẻ" - Kinh doanh tri thức này. Kỹ năng mềm có thực sự quyết định 75% sự thành đạt hay không?


Nhu cầu xã hội

Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận rằng, ngoài "kỹ năng cứng" - chuyên môn giỏi, việc trau dồi kỹ năng mềm là một lợi thế đối với các ứng viên trước những nhà tuyển dụng "khó tính".

Những kỹ năng quan trọng như: Kỹ năng lãnh đạo bản thân, làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức, ra quyết định, giải trình... là một phần tất yếu mà các ứng viên phải có nếu muốn giữ được vị trí công việc của mình trong nền kinh tế đầy biến động này.

Có thể nói kỹ năng mềm là nghệ thuật sống mà bất cứ người nào cũng nên hoàn thiện để hài hòa các mối quan hệ trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta tự tin và tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Cần hiểu rõ về kỹ năng mềm

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về "kỹ năng". Chữ "kỹ" nên hiểu là kỹ thuật, kỹ sảo hay là kỹ nghệ, kỹ lưỡng; chữ "năng" nên hiểu là năng động, siêng năng, sự chăm chỉ,... Đó là một quá trình chăm chỉ rèn luyện kỹ lưỡng những kỹ thuật, kỹ sảo trở nên nhuần nhuyễn, trở thành thói quen, dường như trở thành tính cách, phong cách, “bản sắc” của mỗi người.

Đã là "bản sắc" nghĩa là độc quyền, độc nhất vô nhị. Không có khuôn mẫu, khuôn khổ, không "đụng hàng". Để làm được như vậy thì việc hoàn thiện kỹ năng mềm là việc phải làm cả đời giống như việc rèn luyện nhân cách, đạo đức vậy.

Chúng ta mất từ 4 đến 7 năm trong trường Đại học để học về kỹ năng chuyên môn, chuyên ngành, nhưng sau khi ra trường vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ. Trong khi rất nhiều người lại muốn hoàn thiện "kỹ năng mềm" của mình chỉ thông qua một vài khóa học trong một thời gian ngắn.
Các chuyên gia huấn luyện chỉ có thể hướng dẫn cho người học phương pháp để rèn luyện kỹ năng mềm mà bản thân học viên muốn được hoàn thiện. Còn việc hoàn thiện phải do chính cách học viên tự rèn luyện thông qua quá trình trải nghiệm và rút kinh nghiệm liên tục của bản thân.

Thực trạng ngành đào tạo Kỹ năng mềm ở Việt Nam hiện nay



Bắt đầu từ năm 2001, Tiến sĩ Phan Quốc Việt - người sáng lập ra Tâm Việt Group, cũng là người đầu tiên đưa bộ môn kỹ năng mềm, kỹ năng sống về Việt nam. Những chương trình đào tạo của Tâm Việt đã đem đến một luồng sinh khí mới, trang bị những hàng trang cần thiết cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Tâm Việt nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, và các đơn vị khác bắt đầu "dòm ngó" vào lĩnh vực này. Không lâu sau đó, các công ty về đào tạo mọc lên như nấm, các khóa học tổ chức rầm rộ với những khẩu hiệu "khủng" cùng những hình thức PR "hoành tráng" của những "chuyên gia" tự xưng khiến cho mọi người trở nên hoang mang.

Những "chuyên gia" tự xưng này bỏ ra rất nhiều tiền cho tạo dựng một hình ảnh hào nhoáng. Rất nhiều người đã bị lóa mắt bởi những hình mẫu "quá lý tưởng" ấy đã từ giã trường Đại học, công việc tốt đẹp hiện tại để "khăn gói" lên đường theo chân nối gót các vị "anh hùng" này.

Vì tập trung quá nhiều đến việc xây dựng hình ảnh và lợi nhuận, nhưng lại thiếu đầu tư vào nội dung chương trình. Các chương trình không có tính sáng tạo, ông này sao chép của bà kia, anh này lấy của chị nọ. Người dạy không hiểu mình đang dạy cái gì, người học không biết mình học để làm gì. Biến một ngành đáng kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng cho nhiều người.

Tính "tự giác" quyết định thành - bại

Ngày càng có nhiều chương trình kiểu như: "Đánh thức năng lực tiềm ẩn", "Khám phá sức mạnh bản thân"... được tổ chức rộng rãi. Các "chuyên gia" sử dụng những kỹ thuật kích thích cảm xúc của học viên bằng cách tác động vào nhu cầu cấp bách và lòng tham của con người, khiến cho các học viên như bị thôi miên trong trạng thái mơ hồ của cảm xúc. Những khái niệm về thành công, giàu có và hạnh phúc bị các "chuyên gia" này đánh tráo mà người học không hề hay biết. Để rồi chạy theo những hào nhoáng của tiền bạc và danh vọng mà quên đi nhiệm vụ của mình. Cuối cùng những gì mà các học viên nhận được sau mỗi khóa học là sự mơ hồ về suy nghĩ và định hướng, không biết rõ được nhiệm vụ chính của bản thân, “tiền mất tật mang”.

Vốn dĩ mỗi người chúng ta sinh ra không ai giống ai, lớn lên trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Vì thế khả năng nhận thức và rút kinh nghiệm là khác nhau. Do đó, không một chuyên gia hay khóa học nào có thể giúp ta hoàn thiện nếu không có sự tự giác học tập của mỗi chúng ta.

Mỗi người đều phải học cách để phát triển chính mình dựa trên những tiềm lực của bản thân, thông qua việc tự giác học tập và rèn luyện và rút kinh nghiệm liên tục trong suốt cả cuộc đời.

Chúng ta cần có cách nhìn nhận và hiểu đúng về Kỹ năng mềm để đưa ngành Kỹ năng mềm thành một ngành đạo tạo theo đúng nghĩa. Người học cần phải tự ý thức được về sự tác động của Kỹ năng mềm đối với đời sống và công việc của mình để từ đó lựa chọn đầu tư phù hợp cho bản thân, tránh tình trạng lãng phí.

- Duong Kiyosaki -
Nguồn ảnh: internet
Được tạo bởi Blogger.